Bố Đạt La cung là một cung điện nằm ở Lhasa, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc. Đây từng là nơi ở của các đời Đạt-lai Lạt-ma.

Ngày nay nó là một bảo tàng lịch sử, một Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1994. Tên của nó được đặt theo ngọn núi Potalaka là nơi ở huyền thoại của Quán Thế Âm Bồ Tát. Công trình được khởi công xây dựng bởi Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 5 vào năm 1645. Cung điện này bao phủ cả một pháo đài đã được xây dựng trước đó, Bạch cung và Hồng cung được xây dựng năm 637.

Cung điện Potala được xây dựng ở độ cao 3.700 m so với mực nước biển, trên đồi Ri Marpo, ở trung tâm thung lũng Lhasa. Cung điện có những bức tường dốc lớn với những hàng mái bằng, cao thấp ở các đoạn khác nhau và chỉ bị gián đoạn bởi những hàng cửa sổ dài, không giống như cấu trúc của một pháo đài. Phía Nam của cung điện là khoảng không gian rộng lớn được bao bọc bởi những bức tường và cửa, bên trong là những cổng vòm cột đồ sộ. Một loạt các cầu thang nằm bên trong dẫn lên đỉnh đồi.

Cung điện Potala được xây dựng trên một cung điện cũ. Potala còn hai nhà nguyện góc tây bắc bảo tồn các phần còn lại của công trình ban đầu. Cấu trúc bên ngoài của công trình được xây dựng trong 3 năm trong khi phần bên trong cùng với nội thất lại mất đến 45 năm để hoàn thành. 

Công trình có kích thước 400 mét, chiều đông-tây và 350 mét, chiều bắc-nam với những bức tường đá dốc trung bình có độ dày 3 m và 5 m tại nền móng để giúp nó chống chịu lại những trận động đất. Mười ba tầng của cung điện có tổng cộng hơn 1.000 phòng, 10.000 đền thờ và 200.000 bức tượng.

Phần nội cung là nhóm các tòa nhà nằm trong khu vực tứ giác rộng lớn. Công trình trung tâm tại phần này được gọi là Hồng cung nổi bật với màu đỏ thẫm khiến nó dễ dàng được phân biệt với những phần còn lại. Tại đây chứa các sảnh, hội trường, nhà nguyện, đền thờ của các đời Đạt-lai Lạt-ma trong quá khứ. Ngoài ra là rất nhiều những bức tranh trang trí phong phú, với các tác phẩm trang sức, chạm khắc và trang trí khác.

Mặt tiền màu trắng ở phía nam của cung điện được sử dụng để nâng hai cột thangka khổng lồ, với hình ảnh của Đa-la và Tất-đạt-đa Cồ-đàm được sử dụng trong Lễ hội Sertreng diễn ra vào ngày 30 của tháng Tây Tạng thứ hai. Miếu Phổ Đà Thừa Chi, một phần của Di sản thế giới Ngoại Bát Miếu được xây dựng từ năm 1767 đến 1771 một phần được mô phỏng dựa theo cung điện Potala.

Lhasa
Bố Đạt La cung
Cung điện Polata